5 bước cải tạo bếp hợp phong thủy

Linh Pham—homify Linh Pham—homify
Light Filled Traditional Kitchen, Holloways of Ludlow Bespoke Kitchens & Cabinetry Holloways of Ludlow Bespoke Kitchens & Cabinetry Classic style kitchen Wood Wood effect
Loading admin actions …

Nhà mình đã xây cách đây hơn mười năm nên bếp cũ không còn tiện sinh hoạt nữa. Thế là cả nhà quyết định sửa bếp và giao trọng trách thiết kế bếp cho mình với tiêu chí hàng đầu là phải hợp phong thủy. Sau nhiều ngày tìm hiểu nghiên cứu thì mình đã rút ra 5 bước cơ bản sau, có thể áp dụng cho bất kỳ căn bếp nào có nhu cầu cải tạo.

Chuẩn bị:  

+ Thông tin về chủ nhà (năm sinh, giới tính) 

+ Về hướng: la bàn, bản đồ bát trạch tùy theo chủ nhà để xác định hướng tốt hướng xấu 

+ Về kích thước: thước lỗ ban, cách áp dụng sẽ được giới thiệu chi tiết trong bài 

+ Tải về ứng dụng di động Magic Plan để tự tạo bản vẽ mặt bằng. phiên bản cho iOS và Android. Mình dùng thử và thấy khá thích. 

Bạn có thể tham khảo thêm nhiều phong cách và ý tưởng thiết kế bếp ở đây nhé.

1. Cửa đi vào bếp nhìn theo hướng tốt, đón sinh khí

Căn bếp được xem như là nguồn năng lượng của cả nhà, hướng cửa bếp đi từ các phòng khác vào nên nhìn theo hướng tốt, phù hợp với chủ nhà để đón những điều tích cực. Bên cạnh đó, cửa bếp cần tránh đối diện cửa phòng ngủ vì tính hỏa sẽ gây khó ngủ, tránh đối diện cửa phòng tắm vì khí xấu từ phòng tắm có thể ảnh hưởng đến bếp.

Để quyết định số đo khoảng thông cửa bếp, gồm chiều rộng x chiều cao, mình áp dụng Thước Lỗ Ban 52.2cm và chọn những số đo tốt.

2. Đặt bếp nhìn về hướng tốt, tựa lưng về hướng xấu

Trong phong thủy, bếp là vật cực kì quan trọng, ảnh hưởng đến sinh khí, nguồn năng lượng của toàn bộ gia đình. Hướng đặt bếp phải thỏa cả ba tiêu chí sau. Thứ nhất, miệng bếp, nơi đưa củi vào hoặc bật/tắt bếp, không được ngược với hướng nhà. Thứ hai, miệng bếp phải nhìn theo hướng tốt trên bát trạch để thu hút những điều tốt đẹp cho gia đình. Thứ ba, lưng bếp, nơi tựa vào tường, cần nhìn về hướng xấu trên bát trạch để đốt cháy những điều không như ý.

Bếp thường được mua sẵn từ nhà sản xuất nên phần đo đạc được áp dụng cho kệ đặt bếp, gồm chiều dài x chiều rộng x chiều cao, sử dụng Thước Lỗ Ban 42.9cm.

3. Tủ lạnh nhìn về hướng tốt, đặt xa bếp

Tủ lạnh đóng vai trò là kho dự trữ năng lượng của gia đình nên cũng cần được đón sinh khí từ những hướng tốt. Tuy nhiên, do tủ lạnh có tính hàn khắc với lửa, cần tránh đặt sát bên cạnh hoặc đối diện bếp nấu, tốt nhất là cách bếp một khoảng hoặc ở cạnh chữ L khác so với cạnh đặt bếp.

4. Chậu rửa nhìn về hướng xấu, đặt xa bếp

Được quan niệm là nơi thoát đi những điều không may, chậu rửa nên đặt nhìn về hướng xấu theo bát trạch. Bên cạnh đó, vì nước khắc với lửa, chậu rửa cần cũng tránh đặt sát bên cạnh hoặc đối diện bếp nấu, tương tự tủ lạnh.

Lưu ý nhỏ khi sử dụng là nên giữ cho chậu rửa luôn sạch và thoáng, dọn dẹp ngay khi sử dụng xong. Tránh để chén bát chồng chất sẽ không vệ sinh và tụ khí không tốt cho cả căn bếp.

5. Làm gọn không gian bằng tủ bếp

Do thói quen trong nấu nướng, hầu hết bếp Việt trữ rất nhiều vật dụng và nguyên liệu ở bất kỳ không gian còn trống trong bếp. Tuy nhiên, thói quen này sẽ tạo nhiều ngóc ngách tập trung bụi, ẩm, côn trùng và ảnh hưởng không tốt theo phong thủy. Cách khắc phục đơn giản nhất là cất toàn bộ vật dụng và nguyên liệu vào các ngăn tủ bếp, tận dụng không gian trên và dưới bếp, dọc theo các vách tường. Cả căn bếp sẽ ngăn nắp và vệ sinh hơn hẳn.

Áp dụng Thước Lỗ Ban 38.8cm (âm phần) để chọn số đo thích hợp cho tủ bếp nhé.

Lưu ý nhỏ: Ánh sáng tự nhiên tốt nhất cho bếp là nắng sớm

Ngoài ra, nếu căn bếp nhà bạn có thể đón ánh sáng tự nhiên thì không còn gì bằng, nhất là nắng sớm trước 12 giờ trưa. Nắng sớm sẽ giúp giữ bếp khô ráo và vệ sinh hơn khi nấu nướng. Tuy nhiên, nếu đón nắng sau 12 giờ trưa, cần tránh để nắng chiếu trực tiếp vào vị trí bếp nấu bằng cách gắn thêm rèm cho cửa/cửa sổ.

Need help with your home project?
Get in touch!

Highlights from our magazine